Xây dựng chiến dịch quảng bá sản phẩm
Bất kỳ người kinh doanh trực tuyến nào cũng mong muốn tăng trưởng và thu được nhiều lợi nhuận từ sản phẩm của mình. Để đạt được hiệu quả cao nhất, bạn cần thiết lập “đường đi nước bước” rõ ràng và thực hiện đầy đủ trong suốt quá trình bán hàng.
Dù bạn là một người bán hàng mới hay đã sở hữu shop online với hàng trăm khách hàng, một kế hoạch xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm đầy đủ sẽ đưa sản phẩm đến đúng khách hàng, tránh lãng phí nguồn lực của bạn.
Quá trình xây dựng chiến dịch quảng bá sản phẩm nhìn chung gồm 6 bước sau:
- Bước 1: Phân tích đối tượng khách hàng mục tiêu
- Bước 2: Thiết lập mục tiêu của chiến dịch
- Bước 3: Xác định thông điệp muốn truyền tải
- Bước 4: Lựa chọn kênh online Marketing phù hợp và chỉ số đo lường cho từng kênh
- Bước 5: Thiết lập ngân sách sử dụng cho chiến dịch
- Bước 6: Triển khai, đánh giá – đo lường và điều chỉnh
Ta cùng đi vào từng bước cụ thể.
Bước 1: Phân tích đối tượng khách hàng mục tiêu
Người tiêu dùng có nhu cầu và các hành vi tiêu dùng khác nhau. Để tiếp cận, thu hút và thuyết phục khách hàng mua hàng, đầu tiên bạn cần vẽ ra chân dung khách hàng của mình càng cụ thể càng tốt.
Chân dung đó được thu thập từ các thông tin cơ bản như: độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, ngành nghề, sở thích,… Tiếp theo, liên tục đặt ra các câu hỏi để hiểu thêm về nhu cầu khách hàng như:
- Họ đang gặp phải những vấn đề nào cần giải quyết? Họ mua sản phẩm của bạn hay của đối thủ nhằm giải quyết nhu cầu gì, mong muốn tốt lên trong khía cạnh nào?
- Họ thường online trên những kênh nào? Thời gian họ online trên mỗi kênh?
- Ngôn ngữ, văn hóa, phong cách của nhóm đối tượng mục tiêu (ví dụ: các em học sinh sẽ sử dụng phong cách ngôn ngữ khác so với các nhân viên văn phòng, khác người làm cha mẹ…)
- Họ quan tâm đến những chủ đề nào trong cuộc sống và công việc?
Bạn càng hiểu về khách hàng thì bạn càng có cách sáng tạo để tiếp cận và tăng tính thuyết phục qua thông điệp, qua phương thức truyền tải (hình ảnh, màu sắc, âm thanh, ngôn từ, video…) và qua cách bạn vận hành các công cụ Marketing Online. Ngoài ra việc nghiên cứu khách hàng cũng đem lại nhiều ý tưởng về sản phẩm để bạn phát triển trong tương lai.
Bước 2: Thiết lập mục tiêu của chiến dịch
Bạn cần đặt ra kết quả mình muốn đạt được bằng một vài con số cụ thể. Đó có thể là số lượng đơn đặt hàng, số lượng khách hàng tìm đến tư vấn, doanh thu theo tháng / quý… Mục tiêu cần phải đáp ứng nguyên tắc SMART:
- Specific: Bạn không nên đặt mục tiêu mơ hồ như “tăng doanh thu”, “tăng đơn hàng”. Nên xác định tăng cụ thể bao nhiêu phần trăm: 10% hay 25%? Tăng bao nhiêu đơn: 30 hay 100 đơn hàng? Mục tiêu không cụ thể, bạn không thể biết cần bỏ ra bao nhiêu tiền và bao giờ mới đạt kết quả mong đợi.
- Measurable: Mục tiêu đưa ra phải có phương pháp / công cụ để đo lường được.
- Attainable: Nguồn lực, ngân sách có đủ để thực hiện mục tiêu không? Mục tiêu quá cao so với khả năng của bạn sẽ là một mục tiêu viển vông.
- Relevant: Mục tiêu phải phục vụ cho mục đích kinh doanh và chiến lược chung.
- Time-Bound: Một bản kế hoạch lập ra cần phải có thời gian bắt đầu và kết thúc. Bạn cần nhận thức rõ thời điểm mục tiêu cần phải đạt được.
Thông thường chiến dịch quảng bá hướng đến 2 mục tiêu chính: hiệu quả về kinh tế (doanh số bán, số lượng đơn đặt hàng…) & hiệu quả về truyền thông (mức độ quan tâm, nhận biết của khách hàng).
Bước 3: Xác định thông điệp muốn truyền tải
Thông điệp truyền tải là bất cứ thông tin gì bạn mang đến cho khách hàng về sản phẩm, ở dạng bài viết, status, hình ảnh, video,… Những kết quả bạn thu thập được ở bước 1 sẽ thể hiện ở đây.
Thông điệp đưa ra cần phù hợp với nhóm đối tượng mục tiêu mà bạn hướng đến, và tập trung giải quyết những vấn đề hay nhu cầu của khách hàng, tránh đi lan man.
Ví dụ: Bạn bán sản phẩm áo thun phong cách minimalism (tối giản). Thông điệp chính là: “Chiếc áo tối giản phù hợp mọi lúc mọi nơi”. Vậy thì tất cả hình ảnh, video, bài viết của bạn hãy tập trung vào thông điệp này. Nếu bạn đề cập tràn lan các thông điệp khác như: phong cách thời trang, xu hướng làm đẹp,… sẽ làm lu mờ thông điệp chính và khách hàng khó phân biệt thương hiệu của bạn với các thương hiệu khác.
Bước 4: Lựa chọn kênh online Marketing phù hợp và chỉ số đo lường cho từng kênh
Lựa chọn đúng kênh online để quảng bá sản phẩm sẽ giúp người bán tiếp cận được số lượng lớn khách hàng mục tiêu của mình, tránh việc chi nhiều tiền để quảng cáo nhưng lại không gặp được những người quan tâm hay có nhu cầu mua hàng.
Từ chân dung và hành vi khách hàng có được ở bước 1, người bán xác định các kênh được họ sử dụng nhiều nhất. Mỗi kênh lại có cách tương tác, xây dựng thông điệp và phù hợp với một số nhóm khách hàng khác nhau. Điều bạn nên làm là tìm hiểu đặc điểm mỗi kênh, và nếu có thể hãy xây dựng cộng đồng trên tất cả các kênh có nhóm đối tượng bạn hướng đến.
Những kênh online được các seller của Printub ưa chuộng là: Mạng xã hội (Facebook, Youtube, Tik Tok) và Website.
Tham khảo: Các nền tảng social media hỗ trợ quảng bá sản phẩm hiệu quả.
Bước 5: Thiết lập ngân sách sử dụng cho chiến dịch
Thiết lập ngân sách sẽ sử dụng là bước tiếp theo trong chiến dịch quảng bá sản phẩm. Nếu không cân nhắc và xem xét mục tiêu, bạn có thể chi quá nhiều cho hoạt động quảng bá, dẫn đến nhiều rủi ro mà không đem lại hiệu quả.
Khi mới bắt đầu bán những sản phẩm đầu tiên, bạn có thể tham khảo ngân sách của những người bán hàng trước, sau đó thử nghiệm với sản phẩm của mình. Cho tới khi đã có doanh thu nhất định từng tháng, bạn sẽ xác định được ngân sách cần thiết theo tỷ lệ % theo doanh số cho quảng bá & quảng cáo.
Ngân sách cũng phụ thuộc vào kênh online mà bạn dùng để quảng bá sản phẩm. Trước khi tiến hành thiết lập ngân sách, bạn cần tìm hiểu mức phí quảng cáo của mỗi kênh để đưa ra số tiền thực tế nhất.
Bước 6: Triển khai, đánh giá – đo lường và điều chỉnh
Trong quá trình triển khai quảng bá sản phẩm, bạn cần đánh giá – đo lường hiệu quả thực hiện theo định kỳ (tần suất có thể là 1 lần/tuần, 1 lần/tháng,…) theo các tiêu chí:
Tiêu chí đánh giá:
- Thông điệp của bạn có đến đúng đối tượng mà doanh nghiệp bạn mong muốn không?
- Họ tiếp nhận thông điệp đó như thế nào?
- Ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi và thói quen mua sắm của họ ra sao?
Mỗi đánh giá kèm theo đo lường cụ thể:
- Số người theo dõi shop của bạn trên các kênh
- Số lượng người thích / phản hồi thông điệp bạn đưa ra
- Số lượng người nhắn tin hỏi về sản phẩm
- Số đơn hàng được tạo từ mức phí đã chi
- Doanh số bán hàng tăng / giảm thế nào
Các đánh giá – đo lường định kỳ này phải được đối chiếu với mục tiêu đề ra ở bước 2, giúp bạn kiểm soát hiệu quả mà các kênh mang lại, và kịp thời phát hiện các vấn đề gặp phải để sửa chữa, tối ưu lại hoạt động. Bạn cũng có thể điều chỉnh lại mục tiêu bán hàng hợp lý hơn nếu cần thiết.
Mỗi kênh online bạn chọn đều cung cấp hệ thống báo cáo, đo lường riêng. Hãy theo dõi và trích xuất các dữ liệu báo cáo đó theo định kỳ.
Tạm kết
Với bài viết trên, Printub đã hướng dẫn bạn xây dựng chiến dịch quảng bá khi bán hàng trực tuyến. Dù không có quy định cách thức các người bán khi quảng bá sản phẩm, bạn nên áp dụng các bước cơ bản trên để tránh tình trạng thông điệp quảng cáo không để lại ấn tượng, chọn sai kênh tiếp cận khách hàng hay lãng phí ngân sách mà không đem lại hiệu quả.
Printub hi vọng hướng dẫn này sẽ giúp ích được cho bạn trong việc chuẩn bị và lập kế hoạch quảng bá cho dự án kinh doanh của mình.