Những tiêu chuẩn về hình ảnh thiết kế và lỗi thường gặp

Khi triển khai chiến dịch bán hàng trên Printub, ngoài việc tạo được một thiết kế đẹp để đưa lên sản phẩm, người bán cần nắm được các yếu tố khác liên quan đến chất lượng in. Đó là các tiêu chuẩn về kích thước, chế độ màu, định dạng, độ phân giải,… mà bạn sẽ bắt gặp khi sử dụng nền tảng Printub.

Để cung cấp những sản phẩm tốt nhất đảm bảo sự hài lòng của khách hàng, chúng tôi yêu cầu các seller cung cấp thiết kế phù hợp các thông số quy định. Trong bài viết này, Printub sẽ tổng hợp những tiêu chuẩn áp dụng cho thiết kế cũng như một số lỗi người bán hàng hay gặp phải làm giảm chất lượng sản phẩm.

Những tiêu chuẩn về hình ảnh dùng cho thiết kế

Sản phẩm của bạn sẽ có chất lượng in tốt nhất khi đảm bảo được các thông số dưới đây:

Thông số Yêu cầu
Kích thước (Size) 3600 x 4800 pixels (áp dụng áo thun in khổ A3)
6000 x 8483 pixels (áp dụng áo thun in tràn thân)
Chế độ màu (Color Mode) CMYK
Dung lượng file (Image Size) Tối đa 20MB
Định dạng (Format) .PNG
Nền (Background Contents) Trong suốt (Transparent)
Độ phân giải (Resolution) 300 DPI
Màu sắc (Colors) Không giới hạn
Độ trong suốt (Opacity) Tất cả các chi tiết trong thiết kế có opacity > 50%

Những thông số cần lưu ý về hình ảnh dùng cho thiết kế trên Printub

Lưu ý:

1. Khổ in phụ thuộc vào độ rộng của hình in bạn lựa chọn khi tạo chiến dịch trên Printub.

2. Để đảm bảo hình in có màu sắc chính xác nhất, bạn nên chọn chế độ màu CMYK khi tạo thiết kế. Tuy nhiên khi chọn chế độ màu CMYK, bạn không thể lưu file thiết kế ở định dạng .PNG mà phải chọn định dạng .JPG. Lựa chọn này sẽ phù hợp với các thiết kế liền khối, không có nền trong suốt.

3. Khi thiết kế của bạn gồm nhiều phần tách rời và có nền trong suốt, bạn phải lưu file thiết kế ở định dạng .PNG và chế độ màu RGB. Khi đó không thể tránh khỏi có sự chênh lệch màu giữa thiết kế và sản phẩm thực tế.

Trước khi tải thiết kế lên Printub, hãy kiểm tra xem liệu hình ảnh của bạn đã đáp ứng các yếu tố trên chưa nhé. 

Những lỗi thường gặp với hình ảnh sử dụng cho thiết kế trên Printub

Trong quá trình đồng hành cùng các seller, Printub nhận được nhiều phản hồi về hình in kém chất lượng, sai khác so với thiết kế. Lỗi có thể do hình ảnh bạn sử dụng không đảm bảo được những tiêu chuẩn in ấn của hệ thống.

Ở phần thứ hai của bài viết, Printub sẽ đề cập đến các sai lầm phổ biến mà seller mới hay gặp phải. Đồng thời đưa ra cách khắc phục những lỗi đó cho thiết kế của bạn.

Hình quá phức tạp không tải được lên Printub

Đối với các sản phẩm áo thun PE có màu hoặc áo cotton, Printub sử dụng phương pháp in decal. Việc in decal đòi hỏi nhân viên phải tách các thành phần thừa ra khỏi tấm decal, chỉ giữ lại các thành phần cần in.

Độ phức tạp của hình in được quy định bằng số chi tiết rời rạc của bức ảnh. Theo quy trình sản xuất của Printub, hệ thống chúng tôi chỉ xử lý được thiết kế với tối đa 100 chi tiết. Nếu vượt quá ngưỡng này thiết kế của bạn sẽ không tải được lên Printub và sẽ có một cửa sổ thông báo hiện lên như sau:

Hình quá phức tạp không tải được lên Printub

Hình quá phức tạp không tải được lên Printub

Ví dụ một hình in quá phức tạp không tải được lên Printub

Để chất lượng hình in sát với thiết kế nhất có thể, Printub khuyên bạn nên ưu tiên hình ảnh:

  • Thiết kế nằm trong một khối liền nhau, không tách rời.

Thiết kế nằm trong một khối liền nhau

  • Thiết kế có các chi tiết tách rời nhưng hạn chế độ phức tạp.

Thiết kế có các chi tiết tách rời nhưng hạn chế độ phức tạp

Trong trường hợp bạn đã tải thiết kế lên Printub và hệ thống báo lỗi, có 2 cách bạn có thể áp dụng để giảm độ phức tạp của hình in:

  • Cách 1: Xóa bớt các thành phần dư thừa để giảm bớt chi tiết.
  • Cách 2: Lấp đầy các chỗ trống khó tách khi sản xuất.

Video hướng dẫn giảm độ phức tạp của hình in:

Hình ảnh bị vỡ khi in

Khái niệm “Độ phân giải” (Resolution) – dùng để chỉ lượng thông tin được chứa đựng trong một tập tin ảnh kỹ thuật số được hiển thị trên các thiết bị hoặc khi in ra và được đo bằng pixel. Độ phân giải của bức ảnh càng cao sẽ giúp cho việc hiển thị trên website hoặc trang in càng chi tiết và mượt mà hơn.

Hiện nay các máy in đều yêu cầu độ phân giải cao từ 300 dpi trở lên để hình in được sắc nét trên khổ lớn. Nếu độ phân giải thấp hơn mức này, chất lượng in chắc chắn sẽ không tốt.

Độ phân giải

Để khắc phục tình trạng này, bạn cần chọn đúng thông số DPI cho thiết kế khi sử dụng Photoshop:

Bước 1: Mở file thiết kế của bạn trên Photoshop.

Bước 2: Chọn Image > Image Size.

Image Size

Bước 3: Trong cửa sổ Image Size, nhập 300 vào ô Resolution, đặt thành Pixels/inch và bỏ chọn mục Resample

Resolution

Lưu ý: các số liệu Width và Height (Chiều rộng và Chiều cao) cũng sẽ thay đổi. Điều này cho bạn thấy kích thước hình ảnh sẽ được in.

Hình thiết kế dính lớp nền ở dưới

Đây cũng là lỗi khá phổ biến hay gặp ở người mới làm quen với thiết kế. Lỗi này xảy ra khi bạn không để nền trong suốt và định dạng file khác PNG. Trong 2 ảnh dưới đây, thiết kế có nền trắng nhìn thô và không tự nhiên như thiết kế có nền trong suốt.

Hình thiết kế dính lớp nền ở dưới

So sánh thiết kế nền trắng và thiết kế nền trong suốt

Để không mắc phải lỗi như trên, bạn cần đảm bảo thiết kế có nền trong suốt và file thiết kế tải lên Printub có định dạng .PNG. 

Cách chọn nền trong suốt cho thiết kế

  • Nếu bạn tạo file thiết kế hoàn toàn mới, hãy chọn Background Contents là Transparent trong cửa sổ New Document.

New Document

  • Nếu bạn chọn đối tượng thiết kế từ ảnh có sẵn, bạn cần xóa nền của hình ảnh đó theo hướng dẫn trong bài viết.

Cách lưu thiết kế định dạng .PNG

Sau khi hoàn tất thao tác thiết kế, bạn cần xuất file ở định dạng .PNG để giữ nền trong suốt và cho chất lượng ảnh cao.

Bước 1: Chọn File > Export > Save for Web.

Save for Web

Bước 2: Trong cửa sổ Save for Web, chọn định dạng PNG-24 và tích “Transparency”

Bước 3: Chọn “Save” để xuất file và kết thúc thao tác.

Transparency

Hình in có màu nhợt nhạt

Nếu sản phẩm bạn nhận được có màu sắc nhợt nhạt hơn hình ảnh mockup, có lẽ khi thiết kế bạn đã đặt sai hệ màu từ CMYK thành RGB. Để phân biệt 2 hệ màu RGB và CMYK bạn có thể đọc bài viết.

Hầu hết các thiết bị điện tử sử dụng màu bằng cách phát quang như TV, màn hình máy tính, màn hình điện thoại… đều sử dụng RGB làm hệ màu chính. Bởi vậy khi thiết kế các ấn phẩm online, bạn cần chọn hệ màu RGB, và đây cũng là hệ màu mặc định trên Photoshop.

Trong khi đó hầu như mọi máy in trên thế giới đều sử dụng hệ màu CMYK. Nếu bạn sử dụng hệ màu RGB để tạo ra các thiết kế của mình, sản phẩm được in rất có thể sẽ gây thất vọng với màu sắc nhợt nhạt.

RGB và CMYK

Để tránh hiện tượng sai lệch màu khi in sản phẩm, trước khi bắt đầu thiết kế bạn cần chọn chế độ màu CMYK bằng cách:

Bước 1: Mở file thiết kế của bạn trên Photoshop.

Bước 2: Chọn Image > Mode > CMYK Color.

CMYK Color

Lưu ý: Để đảm bảo hình in có màu sắc chính xác nhất, bạn nên chọn chế độ màu CMYK khi tạo thiết kế. Tuy nhiên khi chọn  chế độ màu CMYK, bạn không thể lưu file thiết kế ở định dạng .PNG mà  phải chọn định dạng .JPG. Lựa chọn này sẽ phù hợp với các thiết kế liền khối, không có nền trong suốt.

Tạm kết

Hi vọng qua bài viết này, bạn đã nắm được các yêu cầu về hình in thiết kế và có những điều chỉnh thích hợp cho sản phẩm của mình trước khi đưa chúng đến với khách hàng. 

Printub sẵn sàng hỗ trợ với bất kỳ thắc mắc gì về chất lượng hình ảnh thiết kế. Nếu bạn cần thêm thông tin, vui lòng phản hồi với chúng tôi qua fanpage Printub.com.

Bài viết này có hữu ích với bạn không? Cám ơn bạn đã phản hồi! Đã xảy ra sự cố khi gửi phản hồi của bạn. Vui lòng thử lại sau.